Lý tính, chân lý và cảm xúc Lý tính

Trong văn học, lý tính hay lý trí thường được đối lập với tình cảm, cảm xúc, ước muốn, nhu cầu, hay sự say mê. Những người khác lại coi lý trí như là một công cụ của những điều trên - công cụ để đạt được cái mà người ta muốn. Tuy nhiên, một số người có thể nói rằng các nhà triết học quan trọng trong lịch sử (ví dụ Plato, Rousseau, Hume, Nietzsche) đã kết hợp cả hai cách nhìn trên - làm cho tư duy dựa trên lý tính không chỉ là một công cụ của lòng ham muốn, mà còn là cái gì đó được mong muốn không chỉ vì tính hữu ích của nó trong việc thỏa mãn các ước muốn. Còn Schiller thì nói về việc "giáo dục các cảm xúc", đưa chúng đến chỗ hòa hợp với lý tính, một trạng thái của sự trưởng thành mà Schiller gọi là "tâm hồn đẹp" (Schöne Seele.)

Trong khi đó, đôi khi lý tính mâu thuẫn rõ ràng với một số mong muốn (thậm chí trong khi không mâu thuẫn với các mong muốn khác) và cho ta ấn tượng rằng lý tính tách rời với cảm xúc. Chỉ có trong con người, các lựa chọn đôi khi được thực hiện dựa trên một liên tưởng nhân tạo của các ý niệm thay cho một liên tưởng chưa bị kiểm soát của các kinh nghiệm thô. Kiểu liên tưởng này có "cảm giác" khác với khi ta bị chiếm lĩnh bởi một cảm xúc mạnh mẽ được hỗ trợ bởi "tình cảm" thô. Điều đối lập cũng rất đặc biệt: đôi khi ta cảm thấy một cảm xúc mạnh mẽ đã chiến thắng các lý luận của chúng ta một cách "phi lý" mặc dầu cảm xúc đó đã không còn luận cứ xác đáng nào; hoặc khi nó chưa kịp là chủ đề của tranh luận thì hành động đã xảy ra (chẳng hạn trong trường hợp phản xạ).

Câu hỏi lý tính có bị dẫn dắt bởi cảm xúc hay không là một câu hỏi quan trọng của các nhà triết học vì chúng ta đều xem lý tính là con đường dẫn đến chân lý, và ta coi chân lý là cái gì đó tồn tại ngoài ý thức của chúng ta. Nếu lý tính bị dẫn dắt bởi các cảm xúc, thì làm sao ta có thể biết được ta có đang tự lừa dối chính mình về chân lý hay không?